Ngày 8/5, đoạn video quảng cáo cho sản phẩm máy tính bảng iPad Pro mới của Apple với hình ảnh một loạt các công cụ và nhạc cụ nghệ thuật như chiếc đàn piano, guitar, máy đánh chữ, máy ảnh và các lon sơn bị “nghiền nát” không thương tiếc dưới một máy ép công nghiệp. Điều này đã dậy lên làn sóng phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng khiến CEO của Apple phải đăng bài xin lỗi sau 2 ngày ra mắt!
l. Nghiền nát những thứ mà người dùng yêu thích và bắt họ chọn sự tiện lợi
Tim Cook, CEO của Apple đã đăng quảng cáo này lên X (Twitter) với dòng chú thích đầy phấn khởi: “Just imagine all the things it’ll be used to create” (tạm dịch: Hãy tưởng tượng về tất cả những gì mà chiếc iPad Pro này có thể tạo ra).
Tuy nhiên, người xem quảng cáo phản ứng ngược lại với mong đợi của Apple xuất hiện ngay lập tức. Nhiều người cảm thấy tức giận khi nhìn thấy một cây đàn piano, nhạc cụ có thể tồn tại khoảng 50 năm nếu được bảo dưỡng lại bị nghiền nát để quảng cáo cho một thiết kế có thể lỗi thời trong vòng 10 năm.
Thông điệp mà nhiều người nhận được lại trở thành là gã khổng lồ Apple với trị giá hàng nghìn tỷ đô la sẽ nghiền nát tất cả những gì đẹp đẽ, nhân văn và mang đến niềm vui khi ngắm nhìn hay chạm vào, tất cả những gì còn lại chỉ là một thiết bị kim loại mỏng.
ll. Tạo cảm giác “bất an” cho những nhà sáng tạo trong thời đại AI
Quảng cáo này của Apple đã vô tình gợi nhớ đến những tranh cãi gay gắt xoay quanh câu chuyện về vai trò của AI tạo sinh (Generative AI) trong nghệ thuật thời gian gần đây.
Vốn dĩ, nhiều người làm các công việc sáng tạo đã thấy rất… kinh hoàng trước sự trỗi dậy của AI tạo sinh, vì công nghệ này đang bị xem là làm giảm giá trị sức lao động của con người khi một số đơn vị chọn sử dụng sản phẩm rẻ hơn, kém chất lượng hơn do AI tạo ra.
Nhiều nghệ sĩ phải chứng kiến tác phẩm của mình bị sử dụng để đào tạo các mô hình AI tạo sinh mà không có sự cho phép hoặc bồi thường, điều này dẫn đến việc các tác phẩm của họ lại thành nội dung do máy móc tạo ra và rồi quay ngược lại đe dọa đến sinh kế của họ.
Dù không cố tình nhưng có thể thấy, quảng cáo iPad Pro của Apple đã trở thành hình ảnh đại diện cho nỗi sợ hãi và sự tức giận của một cộng đồng những người sáng tạo đối với AI tạo sinh.
lll. Đi ngược lại với triết lý “một thời” trong TVC “1984”
Trong quá khứ, Apple đã xây dựng hình ảnh một công ty thu hút những người làm việc sáng tạo bằng cách tạo ra các công cụ đẹp mắt, thân thiện với người dùng. Quảng cáo “1984” do Ridley Scott làm đạo diễn đã thành công trong việc thể hiện máy tính Macintosh như một công cụ phá vỡ sự đơn điệu và nhàm chán.
Tuy nhiên, các bình luận trên mạng xã hội lại cho thấy quảng cáo lần này của Apple không chỉ nghiền nát đồ vật, quảng cáo dường như đang “nghiền” luôn cả sự sáng tạo con người.
Một bình luận viết rằng: “Bốn mươi năm trước, Apple phát hành quảng cáo 1984 như một tuyên bố táo bạo chống lại một tương lai u ám. Bây giờ họ chính là tương lai u ám đó. Chúc mừng”.
Xem thêm: Keo dán đặc biệt Oreo